Mình giật mình, quả là không bao giờ nghĩ rằng mình có thể gặp “Ngục sĩ” ở đây. Ở Hà Nội, vài lần ngồi với anh bạn quê Hải Phòng, anh say sưa nói về Nguyễn Chí Thiện, một con người đã đi vào huyền thoại vì những năm tháng tù đày của một thời khắc nghiệt. Thỉnh thoảng đọc những bài thơ trong tập thơ Hoa Ðịa Ngục, mình thấy chí khí một con người khá mạnh mẽ vào thời buổi đầy sắt và máu. Nghĩ vậy, đọc vậy và biết vậy chứ chưa bao giờ mình nghĩ có thể gặp được ngục sĩ bằng xương, bằng thịt hẳn hoi. Mình chào hỏi và ngồi nghe ông nói chuyện.
Ông nói nhỏ nhẹ, bình thản về những năm tháng tù đày của mình ở Việt Nam, những trại giam nào ông đã đi qua, những ai ông đã từng gặp… nhiều thứ mình không thể nhớ nổi. Nhưng nhớ nhất là thái độ của ông khi nói về những chuyện đó, cứ nhẹ nhàng kể lại những sự việc khủng khiếp mà như kể câu chuyện nào đó xảy ra bình thường trong cuộc sống. Không có hận thù, không có căm giận, ông điềm tĩnh và bình thản lạ thường khi giải thích những điều mà mình lần đầu tiên được nghe và tự rùng mình.
Kể về những năm tháng trong tù ngục của ông, mình nhớ nhất câu chuyện về những ngày sau khi cuốn Hoa Ðịa Ngục của ông được xuất bản tại nước ngoài. Khi đó, ông vẫn cứ sống trong trại giam, mà ở trại giam khi đó, điều kiện để tiếp tế đồ ăn, thức uống từ gia đình là điều không thể có đối với ông, cuộc sống hết sức khốn khổ. Nhiều khi chỉ một điếu thuốc lá, một cốc nước chè là cả một mơ ước của tù nhân.
Ông kể lại rằng: Kể từ khi đưa cuốn sổ thơ vào Ðại Sứ Quán Anh trở ra để bị bắt vào nhà ngục, mọi thông tin về tập thơ hầu như không có phản hồi, không hề biết tập thơ của mình đã đi đến đâu và số phận mình sẽ ra sao.
Một hôm, có cán bộ đến hỏi ông về tập thơ Hoa Ðịa Ngục. Trong thâm tâm, ông sung sướng khi biết rằng: Như vậy, tiếng nói của ông đã vang lên từ bên ngoài biên giới.
Khi cán bộ hỏi ông về tập thơ, ông công nhận rằng đó là tập thơ của mình, nhưng làm đã lâu. Cán bộ hỏi ông có thể nhớ được những bài thơ trong đó và có thể chép lại không? Ông bảo: “Có thể, nhưng cần có thời gian và điều kiện như ở nhà tù này thì không thể nào nhớ được.”
Thế là từ đó trở đi, hàng ngày ông được đưa về một nơi khá tươm tất, được phục vụ nước, thuốc, ăn uống đầy đủ để… chép lại thơ mình. Ông mỉm cười nhỏ nhẹ: “Nhiều khi, cuộc sống tù đày khắc nghiệt cũng làm cho mình có vài chút mẹo vặt. Khi đó cho dù có thuộc nằm lòng từng bài thơ, thì mình vẫn cứ mỗi ngày chép ra một vài bài mà thôi, vì nếu đã chép hết thì lại trở về những ngày đói khát và giam cầm trong trại. Nhờ đó, mình được một thời gian khá dài không đến nỗi vất vả.”
Thời gian gặp nhau không dài, ngồi nghe những câu chuyện của ông nhiều khi cười ra nước mắt. Biết ông vẫn sống một mình kể từ khi sang Mỹ đến nay, mình hỏi ông chuyện gia đình, ông nói: Có lẽ cuộc sống của ông gắn với nhà tù và chính vì thế ông không có thời gian để lấy vợ, khi ra khỏi nhà tù thì đã 53 tuổi, thân hình ốm yếu lại cuộc sống bơ vơ rồi sang Mỹ mấy năm sau đó, chấp nhận một cuộc sống một mình. Vậy là cuộc đời của ngục sĩ đơn côi cho đến hôm nay khi nhắm mắt lìa đời.
Chia tay ông, biết mình từ Việt Nam sang, ông nhờ một việc: Năm 1991, trước khi ra tù, ông được điều trị tại bệnh viện 198 của Bộ Công An. Ở đó, có một gia đình làm ông nhớ đến nay nhưng không thể có tin tức, nay muốn tìm lại thông tin từ họ. Ðó là gia đình một sĩ quan phục vụ trong bệnh viện 198, khi đó giám đốc bệnh viện là Hoàng Tuấn. Gia đình viên sĩ quan này có một cô gái là Mai Thanh Hà mới 14 tuổi, ông đã dạy học cho cô bé một thời gian. Sự tận tình của ông đã được gia đình cô bé trân trọng và quý mến. Thế rồi ông ra tù đến nay đã 20 năm không có tin tức từ họ nay nếu có thể thì tìm thông tin cho ông. Mình cứ nghĩ là có thời gian để tìm hộ ông những thông tin đó, đã cố gắng hỏi vài ba người nhưng thế hệ sau này họ không biết được. Tưởng còn thời gian, nào ngờ ông đã ra đi.
Người bạn cho tôi biết, ông sống trong một căn hộ nhỏ ở Quận Cam với cuộc sống đơn giản, đạm bạc vì ông không ăn uống được nhiều. Bạn bè ông quý mến lo lắng cho ông nhiều thứ. Nhưng ông luôn nhớ về quê hương, về những người đã cùng cảnh ngộ với ông, nên thỉnh thoảng với những đồng lương còn lại, ông dành dụm gửi về giúp đỡ những người đó. Thật khó có thể nói hết tấm lòng của ông nếu chứng kiến ông với thân hình gầy gò và hoàn cảnh đơn độc ở một đất nước xa xôi vẫn nhớ về những người tâm huyết ở trong nước.
Thế rồi chia tay nước Mỹ, chia tay ông đã hơn 1 năm.
Hôm trước, nhận được tin ông ốm nặng chưa kịp hỏi thăm, nhưng mừng cho ông đã chính thức trở thành người con của Chúa. Ông đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy để trở nên con cái Chúa. Ông đã đáp lại lời Chúa mời gọi ông từ mấy chục năm qua. Lời mời gọi đó thông qua cuộc sống và cảm nghiệm của ông với các chứng nhân, qua những tấm gương của những linh mục, tu sĩ và giáo dân ở các trại giam ông đã từng nếm trải.
Hôm nay ông rời bỏ trần thế, nơi ông đã có cuộc sống nhọc nhằn và đầy vất vả. Cuộc sống đó không đem lại cho ông sung sướng về vật chất, về cơm ăn, áo mặc hoặc danh vị, tiền tài… Nhưng ở đó, sau 73 năm trên đời, ông để lại một tấm gương, nghĩa khí của một CON NGƯỜI.
Vĩnh biệt ông, cuộc gặp gỡ giữa chúng ta dù ngắn ngủi, giữa hai con người thuộc hai thế hệ khác nhau, nhưng qua đó, đã thấy đậm tình người và một chí khí cao cả, đầy nhân ái.
Xin Chúa đón nhận linh hồn Thomas More Nguyễn Chí Thiện được sớm về nơi thanh nhàn sau những năm tháng đớn đau nơi trần thế.
Là những tín hữu Công Giáo, chúng ta tin tưởng và xin hẹn gặp lại nhé, ngục sĩ Thomas More Nguyễn Chí Thiện.
Hà Nội, đêm 2 tháng 10, 2012
J.B Nguyễn Hữu Vinh
http://jbnguyenhuuvinh1962.wordpress.com/2012/10/03/ky-niem-nct/
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Phản Hồi