Phụng Việt (RFA) viết từ Singapore - Chỉ
có 40 trong số 175 đại biểu chính thức, tham dự Hội nghị lần thứ 6 của
Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN khóa 11, bỏ phiếu tán thành việc TT
Nguyễn Tấn Dũng có thể tiếp tục đảm nhiệm vai trò Thủ tướng.
Tin vừa kể hiện là dữ kiện mới nhất về diễn biến Hội nghị lần thứ 6 của
Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN khóa 11. Tin này xuất hiện vào chiều
ngày 11 tháng 10 và được vài nguồn tin thân cận với đội ngũ cán bộ, đảng
viên cao cấp xác nhận là mới nghe. Tuy nhiên, không ai có thể kiểm
chứng về độ chính xác của nó. Cũng cần phải nói thêm là bên cạnh thông
tin được cho là mới nhất đó, một vài nguồn tin khác, cũng được cho là
thân cận với đội ngũ cán bộ, đảng viên cao cấp, lại khẳng định sẽ không
có bất kỳ thay đổi nào ở vị trí Thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn sẽ là
người tiếp tục đảm nhiệm vai trò Thủ tướng của Chính phủ Cộng hòa Xã
hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tin đồn giữ vai trò dẫn dắt dư luận đang là điều càng ngày càng bình
thường trong sinh hoạt chính trị - xã hội tại Việt Nam. Sự kiện Hội nghị
lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN khóa 11 không phải là
ngoại lệ.
Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương
Đảng CSVN khóa 11, diễn ra tại Hà Nội ngày 1 tháng 10 năm 2012 - AFP PHOTO
Hội nghị này khai mạc hôm 1 tháng 10 và được cho biết là sẽ kéo dài cho đến hết ngày 15 tháng 10.
Mâu thuẫn quyền lực?
Trong khi các nguồn chính thức chỉ dẫn ý kiến của ông Nguyễn Phú Trọng –
Tổng Bí thư Đảng CSVN – xác nhận hôm khai mạc, ít hội nghị nào có nhiều
nội dung và thời gian họp kéo dài như Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp
hành Trung ương Đảng CSVN khóa 11 (quen được gọi tắt là Hội nghị Trung
ương 6) và: “Tất cả vấn đề được bàn và quyết định đều rất quan trọng và phức tạp”,
thì nhiều tin đồn loang rộng lại rất giống nhau ở yếu tố, Hội nghị
Trung ương 6 chỉ nhằm giải quyết mâu thuẫn quyền lực giữa những cá nhân
lãnh đạo Bộ Chính trị Đảng CSVN. Theo đó, cả ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng
Bí thư, ông Trương Tấn Sang – Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam, đều cùng muốn chặn ông Nguyễn Tấn Dũng – Thủ tướng của
Chính phủ Việt Nam gây thêm các hậu quả nghiêm trọng cho chính trị -
kinh tế - văn hóa – xã hội Việt Nam, do những hậu quả này đe dọa gây
nguy hại cho sự tồn tại của Đảng CSVN.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc hội nghị TW6 hôm 01-10-2012 tại Hà Nội. Courtesy chinhphu.vn
Tuy ông Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Hội nghị Trung ương 6 là dịp để Ban
Chấp hành Trung ương Đảng CSVN khóa 11 bàn, quyết định các “vấn đề rất quan trọng”,
tất nhiên, tầm quan trọng của các vấn đề được bàn và quyết định, chắc
chắn không chỉ ảnh hưởng tới nội bộ Đảng, mà còn tác động đến tương lai
của Việt Nam, lẫn đời sống dân chúng Việt Nam nhưng trong suốt 10 ngày
đầu của tháng 10, các nguồn chính thức không cho biết thêm bất kỳ thông
tin nào về Hội nghị Trung ương 6. Đây cũng là lý do công chúng tìm đến
các trang web, trang blog, trang cá nhân trong hệ thống facebook để tìm
và chia sẻ thông tin với nhau. Những thông tin dưới dạng tin đồn, mô tả
Hội nghị Trung ương 6 đã và đang diễn ra trong không khí hết sức ngột
ngạt, căng thẳng. Các đại biểu (175 thành viên chính thức và 25 thành
viên dự khuyết), bị giám sát chặt chẽ cả trong thời gian tham dự hội
nghị lẫn những sinh hoạt bên ngoài hội trường. Mỗi đại biểu được phát
một tập tài liệu khoảng 300 trang, trong đó có nhiều thông tin, hình
ảnh, hệ thống hàng loạt sai phạm của Thủ tướng đương nhiệm. Những tin
đồn còn loan báo các giải pháp về nhân sự, diễn biến trên hội trường…
Đáng chú ý là bình luận của độc giả - những người dùng Internet tại Việt
Nam – trên các trang web, trang blog và hệ thống facebook, thay đổi
từng giờ theo tin đồn, họ hưng phấn trước tin đồn Thủ tướng sẽ thôi làm
nhiệm vụ, tỏ ra chán nản – bi quan – thậm chí chửi đổng trước tin đồn
rằng, mọi thứ vẫn như cũ.
Tin đồn gần đây, liên quan đến Hội nghị Trung ương 6, được nhiều trang
web, trang blog và trang cá nhân trên hệ thống facebook dẫn lại, do một
blog có tên “Quan làm báo” tung ra. Theo đó, tại một cuộc họp tuy là
riêng biệt, chỉ dành cho các thành viên Bộ Chính trị nhưng vẫn trong
khuôn khổ Hội nghị Trung ương 6, diễn ra vào tối Chủ nhật vừa qua, dẫu
cho Thủ tướng đương nhiệm đã “nhũn”, không “tả xung, hữu đột”, chống lại
các cáo buộc như trên hội trường, nơi diễn ra Hội nghị Trung ương 6,
song ông vẫn chỉ nhận được 4 phiếu tín nhiệm từ 14 thành viên Bộ Chính
trị. Cũng trong tin đồn vừa nêu, blog “Quan làm báo” còn đưa ra một
chi tiết khác, đó là ông Nguyễn Minh Triết, thành viên Bộ Chính trị Khóa
10, cựu Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã dọa
ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư hiện nay của Đảng CSVN – rằng: “Nếu các anh mà không làm đến nơi đến chốn thì chính tôi sẽ cầm đầu biểu tình chống lại các anh!”.
Có phải là tin đồn?
Đáng ngạc nhiên là trước hiện tượng dư luận đang bị tin đồn dẫn dắt, các
nguồn tin chính thức không hề có bất kỳ động thái nào nhằm “định hướng
dư luận”. Ngoài luận điểm quen thuộc, thường được lập đi, lập lại là tất
cả tin đồn đều do những thế lực, thù địch, phản động tung ra, nhằm phá
hoại niềm tin vào Đảng của cán bộ, đảng viên, dân chúng và gây mất ổn
định chính trị, vẫn chưa thấy các nguồn tin chính thức cung cấp kịp thời
những thông tin chính xác, trung thực để “củng cố lòng tin của cán bộ,
đảng viên và nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng, tăng cường niềm tin
trong nhân dân”.
Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN khóa 11, hôm 02/10/2012. Photo courtesy of vinhphuc.gov
Tin mới nhất liên quan đến Hội nghị Trung ương 6, mà các nguồn chính thức vừa loan báo hôm qua, là “Hội nghị Trung ương 6 đã tiến hành xong phần quan trọng nhất của chương trình”. Phần quan trọng nhất đó được các nguồn chính thức mô tả là: “…nghe
Bộ Chính trị báo cáo kết quả Kiểm điểm tập thể và cá nhân Bộ Chính trị,
Ban Bí thư theo Nghị quyết Trung ương 4… Sau đó, Ban Chấp hành Trung
ương đã cho ý kiến để Bộ Chính trị thông qua các nội dung, đặc biệt là
nội dung Kiểm điểm của một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị. Các tài liệu
báo cáo được tổng hợp theo đúng những nguyên tắc của Đảng, tôn trọng sự
thật đồng thời bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư
và đã được đưa ra Trung ương phục vụ các đồng chí Ủy viên nghiên cứu,
đánh giá, cho ý kiến…”.
Đối chiếu tin này với tin ban đầu, cũng do các nguồn chính thức loan báo
vào hôm khai mạc Hội nghị Trung ương 6 thì điểm gây nhiều ngạc nhiên là
tin khai mạc của các nguồn chính thức, không sát với nội dung và diễn
biến thực sự Hội nghị Trung ương 6, bằng… các tin đồn. Trong tin khai
mạc Hội nghị Trung ương 6, các nguồn chính thức chỉ cho biết, hội nghị
này sẽ tập trung bàn về ba vấn đề: thứ nhất là kinh tế - xã hội năm
2012, thứ hai là phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ,
thứ ba là một số vấn đề về xây dựng Đảng.
Tin đồn dẫu sao cũng chỉ là tin đồn. Người ta vẫn phải chờ các nguồn
chính thức xác nhận ông Nguyễn Tấn Dũng có còn tiếp tục đảm nhận vai trò
Thủ tướng của Chính phủ Việt Nam hay không (?). Tuy nhiên thực tế cho
thấy, nhu cầu thông tin của công chúng và khả năng cung cấp thông tin
của các nguồn tin chính thức luôn có khoảng cách rất lớn. Khoảng cách đó
đang được các tin đồn lấp đầy. Ít nhất, những diễn biến thông tin liên
quan đến Hội nghị trung ương 6, thêm một lẫn nữa cho thấy, hệ thống
truyền thông chính thức khó mà có thể làm tròn nhiệm vụ “củng cố lòng
tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng, tăng
cường niềm tin trong nhân dân, giữ vững sự ổn định chính trị”.
*
Thủ tướng và Hội nghị Trung ương 6
BBC
- Từ Hà Nội, nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Khắc Toàn chia sẻ với BBC
những ý kiến của ông về Hội trung Trung ương Đảng lần thứ Sáu hiện đang
diễn ra.
Theo quan sát của ông thì đây là một 'hội nghị đặc biệt quan trọng'.
"Đây là một cuộc đấu tranh nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam rất gay gắt, rất nghiêm trọng trước nay chưa từng có," ông nói.
Theo lời ông Toàn thì hiện nay các cán bộ lão thành ở Hà Nội đang đồn
đoán có một tập tài liệu dài 313 trang mô tả về các sai phạm của các
đảng viên từ cấp trung đến cấp cao trong nội bộ Đảng, nhưng tập trung
chủ yếu là những sai phạm của ông Nguyễn Tấn Dũng. Mở đầu có thủ bút của
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: ‘Kính gửi các đồng chí ủy viên trung ương
tham khảo, xem xét’.
"Các cụ lão thành đồn đoán rằng sẽ đưa ông Nguyễn Sinh Hùng lên thay
(ông Dũng) và người lên thay ông Nguyễn Sinh Hùng sẽ là phó chủ tịch
Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân," ông cho biết.
"Hội nghị hiện nay đang diễn ra rất bí mật. Lẽ ra việc này là công việc
của toàn dân, của cả nước thì phải được công khai, minh bạch, rõ ràng.
Đảng Cộng sản Việt Nam coi vận mệnh quốc gia và sinh hoạt chính trị là
độc quyền của Đảng cho nên người dân chỉ sống trong đồn đoán mà thôi,"
ông chỉ trích.
Theo ông thì 'phải minh bạch hóa hệ thống chính trị trong nước và có sự
cạnh tranh chính trị lành mạnh giữa các đảng phái trong môi trường đa
nguyên đa đảng thì mới loại bỏ được những nhân vật như Nguyễn Tấn
Dũng'.
"Phải theo tấm gương của Miến Điện. Phải cải tổ chính trị từ trên xuống
dưới, từ trong ra ngoài một cách triệt để. Phải mạnh dạn rũ bỏ quá khứ
tai hại và sai lầm chính Đảng Cộng sản Việt Nam gây ra cho nhân dân mấy
chục năm nay," ông khuyến nghị.
"Dù kết quả hội nghị trung ương 6 thế nào đi nữa thì cũng là giải pháp
tình thế để tiếp tục củng cố thể chế độc tài toàn trị. Tương lai đất
nước vẫn mờ mịt," ông nói.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Phản Hồi